Ở Mỹ, người giàu có thể sống thọ hơn người nghèo... 20 năm

2025-01-17 20:43:04

Cụ thể, năm 2014, tuổi thọ trung bình công dân Mỹ khi kết hợp cả 2 giới tính là 79,1 tuổi, tăng thêm 5,3 tuổi so với năm 1980. Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa nhóm tuổi thọ cao nhất và thấp nhất lên tới 20,1 tuổi - kết quả nghiên cứu của Đại học Washington cho hay.

Tiến sĩ Mokdad, đồng tác giả của nghiên cứu, Giáo sư sức khỏe tại Viện Nghiên cứu và Đo lường Y tế của Đại học Washington, phát biểu: "Chênh lệch ngày càng lớn, vì thế khoảng cách về tuổi thọ đang gia tăng. Đây là điều tồi tệ hơn bất cứ giả định nào trước đây".

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các số liệu được xác minh từ Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia, thống kê dân số của Cục Điều tra dân số Mỹ, Cơ sở dữ liệu về tỷ lệ tử vong ở người, để thiết lập các bảng số liệu tuổi thọ hàng năm ở cấp quận - hạt.

Từ đó, họ xem xét mối liên hệ giữa tuổi thọ của người dân Mỹ với các yếu tố kinh tế - xã hội và chủng tộc/dân tộc, hành vi và lối sống, cũng như sự trao đổi chất và các yếu tố chăm sóc sức khỏe.

Nhiều người dân Mỹ chưa được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ. (Ảnh minh họa: Reuters)

Kết quả cho thấy: sự bất bình đẳng trong tuổi thọ, xét về mặt địa lý, đã tăng lên trong giai đoạn 1980-2014. Nguy cơ tử vong giảm ở đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên, nhưng lại gia tăng đối với người lớn tuổi.

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng người nghèo, ít tập thể dục và thiếu tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đều không sống lâu. Chất lượng và sự có sẵn của các dịch vụ này ảnh hưởng lớn tới sức khỏe công dân - kết quả cho biết.

Phân tích số liệu thống kê theo từng địa phương còn giúp xác định các khu vực có mức chênh lệch tuổi thọ lớn. Theo đó, những địa phương đáng chú ý nhất là các khu vực thuộc bang Dakota, vùng nông thôn phía Tây Mississippi, Đông Kentucky và Tây Nam Virginia.

Ngược lại, tuổi thọ cao nhất thuộc về người dân ở hầu hết miền Trung bang Colorado, phía Tây Wyoming và Texas cũng như phần lớn các quận ven biển ở California, Tây Nam Florida và Nam Minnesota.

Tuổi thọ trung bình ở Mỹ tăng chậm hơn so với nhiều nước châu Âu. (Ảnh minh họa: RT)

Tiến sĩ Mokdad và nhóm cộng sự hy vọng rằng nghiên cứu của họ có thể giúp các cộng đồng, giới chuyên gia chăm sóc sức khỏe và các nhà hoạch định chính sách phối hợp đưa ra hướng làm giảm tình trạng bất bình đẳng, từ đó thu hẹp chênh lệch về tuổi thọ.

Theo ông Mokdad, vấn đề là người dân Mỹ không được tiếp cận bình đẳng các biện pháp chăm sóc, sức khỏe, phòng ngừa bệnh. "Chúng ta phải đầu tư đề phòng bệnh... Tôi hy vọng các nhà hoạch định chinh sách sẽ xem xét điều này. Đó là vì tương lai của nước Mỹ" - ông cảnh báo.

Ông cũng bất ngờ trước thực trạng về tuổi thọ ở Mỹ - một đất nước "giàu có và đầy thực lực". Tiến sĩ Mokdad chia sẻ: "Tất cả người dân ở châu Âu và nhiều nơi khác đang gia tăng tuổi thọ với tốc độ cao hơn chúng tôi. Đó là điều đáng thất vọng và không thể chấp nhận được đối với một quốc gia như Mỹ".

Nhận định về vấn đề này, ông Mokdad cảnh báo rằng Mỹ đang tụt hậu so với nhiều nước khác về mặt sức khỏe người dân. Điều này sẽ ảnh hưởng tới năng suất lao động, làm mất đi lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ - ông nhấn mạnh thêm.

Hồng Anh

Nguồn bài viết : SE Trực Tuyến

Top